GÃ KHỔNG LỒ TRONG NGÀNH Ô TÔ THẾ GIỚI – VOLKSWAGEN

Volkswagen thâu tóm các hãng xe nổi tiếng trên thế giới như thế nào?

Trải qua một quá trình lịch sử phát triển lâu dài, Volkswagen đã từng bước khẳng định vị thế ông lớn thực sự của mình trên thị trường ô tô ngày nay. Thị trường châu Âu chiếm phần đa trong số doanh thu của họ, với những thương hiệu xe nổi tiếng thế giới như Bentley, Audi, Porsche, Lambogini, Bugatti,… Chúng ta hãy cùng xem lại quá trình Volkswagen thâu tóm các hãng xe nổi tiếng trên thế giới.

Lịch sử của tập đoàn Volkswagen được bắt đầu vào năm 1937, thời điểm mà công ty này được thành lập. Thuở mới thành lập, Volkswagen là một tài sản của chính phủ Đức trước khi được bán cho Volkswagen Beetle. Sau thế chiến thứ II, quân đội Anh nắm quyền kiểm soát nhà máy vốn đã bị tàn phá bởi bom đạn và cho khởi động lại dây chuyền sản xuất Beetle. Đến năm 1948, chính phủ Anh trao trả lại công ty cho Đức, lúc đó được quản lý bởi Heinrich Nordhoff.

Ý nghĩa của từ “Volkswagen” trong tiếng Đức có nghĩa là “xe của nhân dân”, nghe có vẻ rất bình dân. Nhưng ngược với cái tên đó, Volkswagen đã từng bước lớn mạnh và trở thành con cá lớn lần lượt “nuốt” trọn các thương hiệu ô tô nổi tiếng trên thế giới. Những cái tên đình đám đã và đang ở trong danh sách này có thể kể đến như Audi, Lambogini, Bentley, SEAT, Porsche, Bugatti, Skoda, MAN, Scania, Ducati. Ngoài ra, 24% cổ phần thuộc phân khúc xe 2 bánh của tập đoàn ô tô hàng đầu Nhật Bản – Suzuki, cũng đang được nắm giữ bởi Volkswagen.

1. Audi (Đức)

Audi là hậu duệ của đội đua nổi tiếng một thời, được thành lập dựa trên sự hợp nhất 4 công ty Horch, Wanderer, Audi và DKm vào những năm 30 của thế kỉ XX. Đó cũng là lý do vì sao logo Audi có biểu tượng là 4 vòng tròn đan vào nhau.

Vào ngày 24/4/1958 tập đoàn Daimler-Benz đã nhảy vào và mua lại khoảng 88% cổ phần của đội đua nổi tiếng. Năm 1962, trước tình hình tài chính khó khăn mà đội đua nổi tiếng đang đối mặt, Daimler-Benz AG nhận thấy rằng bán đội đua nổi tiếng cho Volkswagen chính là giải pháp tốt nhất hiện giờ để giải quyết bài toán khó này.

Năm 1966, Volkswagen mới toàn quyền sở hữu đội đua nổi tiếng và Audi chính thức trở thành nhãn hiệu xe sang đầu tiên của tập đoàn này, với khoản tiền bỏ ra lên đến 297 triệu mác Đức. Audi sau đó tiếp tục phát triển ngày một đi lên trở thành một cái tên lớn trong ngành công nghiệp ô tô của Đức nói riêng cũng như của thế giới nói chung.

2. Lamborghini (Ý)

Lamborgini được biết đến là một hãng xe nổi tiếng thuộc hạng top của thế giới hiện nay. Trụ sở chính được tọa lạc ở Sant’ Agata Bolognese, gần Bologna, Italy. Được thành lập vào năm 1963 với những dòng xe được thiết kế mang vẻ mạnh mẽ, nam tính và hoàn hảo cho đường đua, Lamborgini là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Ferrari và các hãng xe thể thao khác trong ngành công nghiệp xe hơi thể thao.

Tuy nhiên, tác động của cuộc suy thoái kinh tế thế giới năm 1973 lên Lamborgini. Và như một điều tất yếu, nó khiến cho tình hình kinh doanh của hãng bị giảm sút và trì trệ. Hãng phải “phiêu bạt’ qua nhiều đời chủ khác nhau trước khi về với nhà Audi vào năm 1998. Từ đó đến nay, nhờ vào Audi, Volkswagen đã đưa thương hiệu siêu xe nước Ý – được dân chơi xe gọi là “bò mộng” – phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những biểu tượng khi nhắc đến dòng xe thể thao siêu sang, siêu đắt tiền và siêu mạnh mẽ.

3. Bentley (Anh)

Nhắc đến phân cấp xe hạng sang, nếu bỏ qua Bentley thì sẽ là một thiếu sót lớn. Bentley được thành lập vào năm 1919 bởi người sáng lập là ông Walter Owen.

Năm 1988, hãng xe sang của Anh chính thức nối gót Lamborgini trở thành người một nhà cùng với Audi. Từ đó đến nay, Bentley tiếp tục phát triển và đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường ô tô thế giới.

4. Bugatti (Pháp)

Bugatti là thương hiệu nổi tiếng của Pháp, được biết đến với các mẫu xe hiệu suất cao và tốc độ cực khủng, thuộc vào hàng những chiếc ô tô nhanh nhất thế giới. Lịch sử của Bugatti bắt đầu vào năm 1909 khi mà nhà thiết kế gốc Ý Ettore Bugatti cho thành lập công ty.

Sự qua đời của Ettore Bugatti năm 1947 đã dẫn đến kết thúc cho thương hiệu này, và sự ra đi của người con trai Jean Bugatti năm 1939 khiến công ty không có người kế nhiệm lãnh đạo nhà máy. Công ty đã phải vật lộn về tài chính, và phát hành một mẫu xe cuối cùng vào những năm 1950, trước khi được mua lại để kinh doanh phụ tùng máy bay vào năm 1963.

Từ năm 2000, công ty thuộc sở hữu của tập đoàn Volkswagen, và đã đưa công ty này trở thành thương hiệu xe hơi thể thao nổi tiếng.

5. Seat (Tây Ban Nha)

Là tập đoàn ô tô lớn nhất Tây Ban Nha, được thành lập vào năm 1950, bởi Học viện Công nghiệp Quốc gia (INI). Trụ sở của SEAT, SA được đặt tại khu công nghiệp của SEAT ở Martorell gần Barcelona.

SEAT ngày nay là nhà sản xuất xe hơi lớn duy nhất của Tây Ban Nha có khả năng và cơ sở hạ tầng để phát triển xe hơi của riêng mình. Tuy nhiên công ty này gặp phải khó khăn bởi sự canh tranh gay gắt bởi các hãng khác như Toyota, Honda, Hyundai. SEAT trở thành tập đoàn con của Volkswagen vào năm 1986.

6. Skoda (Cộng hòa Séc)

Được thành lập tại Cộng hòa Séc vào năm 1895, được biết đến với các mẫu xe như Citigo, Fabia, Rapid, Octavia, Superb, Kodiaq,… Skoda về tay tập đoàn Volkswagen từ năm 2000 dưới dạng nhãn hiệu cấp thấp nhất. Với sự hỗ trợ của tập đoàn Volkswagen, Skoda đã cải thiện đáng kể về mặt thiết kế lẫn cơ cấu kỹ thuật.

7. MAN (Đức)

MAN được thành lập vào năm 1758, là một trong các hãng xe lâu đời của Đức. Được biết đến là một hãng chuyên sản xuất các ô tô tải, xe buýt, xe cứu hỏa, động cơ diesel và máy tua-bin. MAN bị Volkswagen thâu tóm vào tháng 7/2011 với 56% cổ phần sở hữu được.

8. Scania (Thụy Điển)

Scania AB được thành lập vào năm 1891 từ sự sáp nhập của hai công ty Vabis và Scania. Cuối năm 1913, Scania đã thành lập công ty con tại thị trường Đan Mạch. Bước sang thập niên 1950, công ty bắt đầu mở rộng hoạt động ở nhiều phân khúc thị trường mới, trở thành đại lý cho Willys Jeep và Volkswagen Beetle.

Năm 2000, công ty ký một thỏa thuận bán 37,4% cổ phần cho Volkswagen AG và Volkswagen AG sẽ trở thành công ty mẹ của Scania.

9. Ducati (Ý)

Ducati Motor Holding S.p.A. là bộ phận sản xuất xe máy của công ty Ducati của Ý, có trụ sở tại Bologna, Ý. Công ty thuộc sở hữu của nhà sản xuất ô tô của Đức thông qua công ty con Lamborghini của Ý.

Nhắc đến phân khúc xe phân khối lớn 2 bánh thì không thể không nhắc đến cái tên Ducati với hàng loạt tên tuổi đình đám như Ducati Streetfighter, Ducati Hypermotard, Ducati V4, Ducati Panigale,… Những cái tên này đã và đang và hứa hẹn sẽ tiếp tục làm mưa làm gió trên thị trường xe phân khối lớn trên thế giới.

Hãng mô tô lừng danh Italy với những siêu phẩm tốc độ chính thức bị Audi thâu tóm vào tháng 7/2012 với số tiền 1 tỷ USD (theo báo cáo tài chính năm 2012 của Lamborghini) do công ty con của Audi là Lamborghini chi trả. Mục tiêu mua lại Ducati từ tay chủ nhân cũ Investindustrial của Audi là cạnh tranh với “đồng hương” BMW trên thị trường môtô thể thao.

10. Porsche (Đức)

Phi vụ mua bán qua lại giữa Volkswagen và Porsche đã từng tốn rất nhiều giấy mực của cánh truyền thông trên thế giới và cũng được xem là phức tạp và bất ngờ nhất trong lích sử phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Hiện nay ai cũng biết rằng, Porsche là một thương hiệu thuộc sở hữu của tập đoàn Volkswagen. Tuy nhiên, đối với những ai không am hiểu và tìm hiểu về lĩnh vực ô tô thì sẽ ngờ rằng, Volkswagen đã từng thuộc về Porsche vào năm 2008 khi mà hãng xe này sở hữu 51% cổ phần của công ty.

Porsche từng có tham vọng thâu tóm toàn bộ cổ phần của Volkswagen chứ không chỉ riêng Volkswagen muốn “nuốt” chừng các hãng xe khác. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ngay sau đó đã tác động lên và làm cho tham vọng này của Porsche tan vỡ cũng như thay đổi tình thế 180 độ. Kết quả kinh doanh yếu kém đã buộc Porsche phải bán đi tới 49,9% cổ phần của mình và cậy nhờ vào sự giúp đỡ từ Volkswagen.

Đến năm 2012, Volkswagen đã hoàn thành việc mua nốt hơn 50% số cổ phần còn lại và biến Porsche trở thành một thương hiệu riêng thuộc sở hữu của mình, với số tiền bỏ ra vào khoảng 8,4 triệu USD.

Nền công nghiệp ô tô trên thế giới vẫn đang tiếp tục phát triển. Các hãng xe lớn nhỏ cũng đang dần tạo lập và khẳng định vị thế của riêng mình. Chắc chắn tập đoàn ô tô nào cũng có tham vọng lớn như Volkswagen đã từng và sẽ tiếp tục, nhưng vấn đề là liệu Volkswagen sẽ tiếp tục “bành trướng” thế lực của mình, hay sẽ có một tập đoàn ô tô nào đứng lên và đánh bật vị thế của ông lớn này. Cuộc cạnh tranh khốc liệt trong nền công nghiệp ô tô vẫn đang phát triển, và tất cả những suy đoán bây giờ cũng chỉ là suy đoán mà thôi. Chỉ có tương lai mới có thể trả lời cho tất cả những nghi vấn của chúng ta.

0909 567 511
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon